Cùng
với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên
Biển Đông là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, thể hiện sức
mạnh của cả dân tộc, là thành quả của trí tuệ, ý chí và nghị lực, quyết tâm
giành độc lập tự do của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Với ý chí tất cả
vì Miền Nam thân yêu, tất cả vì sự thống nhất Tổ quốc, đường Hồ Chí Minh trên
biển đã đưa đón hàng ngàn chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí cập bến an
toàn, cung cấp vũ khí cho phong trào cách mạng ở đồng bằng sông Cửu Long phát
triển, vượt lên miền Đông và ra đến chiến trường ác liệt khu V. Trên con đường ấy,
có mặt đầy đủ những người con ưu tú của hai miền Bắc, Nam. Trong đó có tên tuổi
của cố nữ tướng Nguyễn Thị Định - nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Đầu
năm 1946, chị Ba Nguyễn Thị Định được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh
Bến Tre, được giao nhiệm vụ ra Bắc, gặp Bác Hồ và Chính phủ báo cáo tình hình
sau Hiệp định Sơ bộ 6/3 và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Chị
Nguyễn Thị Định - khi ấy mới 26 tuổi, đã được giao một trọng trách bí mật và
quan trọng: làm thuyền trưởng. Lòng can trường, đức hy sinh, sự kiên trung,
kinh nghiệm hoạt động thực tiễn bám dân, bám đất, bám địa bàn, thông thạo địa
hình sông nước, đó là những phẩm chất, tố chất hội tụ ở đồng chí Nguyễn Thị Định.
Phái đoàn miền Nam Trung Bộ ra đi trên chiếc tàu đánh cá nghi trang, từ cửa biển
Bến Tre ra Phú Yên rồi từ Phú Yên, họ ngồi xe lửa ra Hà Nội. Trong lần ra Bắc lịch
sử này, chị đã mạnh dạn đề nghị với Bác Hồ, với Trung ương hình thành đường dây
vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Nam bộ. Yêu cầu của chị được Bác Hồ
và Trung ương giải quyết. Ý định trong chuyến đi biển đầu tiên của Đoàn cán bộ
miền Nam ra Bắc xin vũ khí vào đầu năm 1946 của Nguyễn Thị Định, được xem là ý
tưởng khơi nguồn cho sự ra đời của Đoàn tàu không số!
Đường
dây vận chuyển vũ khí chi viện cho Nam bộ do chị ba Nguyễn Thị Định đề xuất và
phụ trách tổ chức thực hiện, lấy vùng tự do Khu V làm nơi trung chuyển, từ Hà Nội,
Chị lặn lội vào Quảng Ngãi - trụ sở của Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam,
nhận súng, tiền và tài liệu của Trung ương mang về cho Xứ ủy Nam Bộ. Sau khi
làm việc với Khu ủy Khu V, chị nhận vũ khí rồi chuyển bằng tàu lửa vào ga Tuy
Hòa, Phú Yên, tổ chức bến bãi vận chuyển vũ khí. Tranh thủ sự giúp đỡ của nhân
dân, chị dành thời gian khảo sát các bến bãi từ biển Gành Đỏ đến Tiên Châu rồi
sau đó, chọn bến cá Phú Câu cửa biển Đà Diễn làm bến xuất phát. Để làm quen với
sóng gió biển khơi, nhiều lần chị bơi thuyền thúng vượt cửa sông Đà Rằng. Sau
những gian nan, tập luyện không mệt mỏi trên cửa biển, một đêm đông năm
1946, gió bấc thổi mạnh, lưu luyến tạm biệt đồng đội và bà con Phú Yên, bà cho
tàu chở 12 tấn vũ khí rời bến. Vượt qua sự hung hãn của sóng biển và nguy hiểm
của vùng địch tạm chiếm, bằng lòng quả cảm, trí thông minh, chị Ba Định cùng
các đồng chí của mình khéo léo vượt trùng dương, đưa được 12 tấn vũ khí chi viện
cho miền Nam cập bến cồn Bửng một cách an toàn. Con thuyền chở vũ khí từ Bắc
vào Nam lần đầu tiên cuối năm 1946 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Và Bến
Tre trở thành điểm đầu tiếp nhận vũ khí từ Bắc vào Nam, chi viện cho chiến trường
Nam bộ. Cũng chính từ đây, đường dây vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trên biển
được hình thành. Có thể nói, nữ tướng Nguyễn Thị Định chính là người khai sinh
ra bến nước Thạnh Phong, nơi tiếp nhận vũ khí Bắc-Nam ngay thời kỳ đầu cuộc
kháng chiến chống Pháp, mở đầu cho những chuyến vượt biển đầu tiên trong kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cùng
với diễn biến của chiến trường miền Nam sục sôi đánh Mỹ, thống nhất đất nước, đầu
năm 1961 Trung ương Đảng chủ trương các tỉnh ven biển miền Nam: Bà Rịa – Vũng
Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Rạch Giá, Bạc Liêu … tổ chức bến bãi và các đội
tàu thuyền ra Bắc để tiếp nhận vũ khí. Tuy nhiên, các đoàn thuyền gỗ từ miền
Nam ra Bắc nhận vũ khí rồi chuyển vào Nam rất nguy hiểm. Để tránh những thất bại
đáng tiếc, Trung ương cử đồng chí Bông Văn Dĩa cùng 5 thủy thủ vào khảo sát các
bến đáp hàng ở Nam bộ, hoàn thành chuyến trinh sát mở đường thắng lợi. Ngày
23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải
thủy, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển
chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngày 11-10-1962, tại Thung Lũng Xanh, thuộc Đồ
Sơn, Hải Phòng, con tàu gỗ gắn máy Phương Đông 1 do Lê Văn Một làm thuyền trưởng,
Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên lặng lẽ nhổ neo ra khơi, hướng về phía Nam
thành đồng Tổ quốc. Con tàu chở 30 tấn vũ khí, mang theo cả niềm tin mà Đảng,
Bác Hồ và nhân dân miền Bắc gửi gắm tới đồng bào miền Nam ruột thịt. Với hải
trình Hải Phòng - Vàm Lũng, Cà Mau 9 ngày đêm, mở đầu trang sử vẻ vang, rất đỗi
tự hào của Đoàn tàu Không số, nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của chiến tranh
nhân dân Việt Nam.
Tìm
hiểu truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển - “con đường” có một không hai
trên thế giới, chúng ta thêm một lần tự hào về người con gái kiên trung Nam Bộ
- chị Ba Nguyễn Thị Định. Đúng như Bác Hồ đã nói: “Phó Tổng tư lệnh Quân giải
phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy.
Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Chuyến vượt biển từ Nam ra Bắc
xin vũ khí trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp vẫn
còn mang tính thời sự nóng hổi. Chị Ba Nguyễn Thị Định không chỉ là lãnh tụ của
“Đội quân tóc dài” huyền thoại của Nam Bộ, là “vị tướng quân gái”, chị còn được
mệnh danh là “Người đàn bà vượt biển”…
Quê hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét