ĐỜI SỐNG PHÁP LUẬT - KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

ĐỜI SỐNG PHÁP LUẬT

 CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ TỘI LỢI DỤNG CÁC QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ XÂM PHẠM LỢI ÍCH CỦA NHÀ NƯỚC, QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN” QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 331 BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 SỬA ĐỔI BỔ SUNG 2017

Hải Thanh

Thời gian qua, có một số cá nhân đã bị các cơ quan có thẩm quyền khởi tố, xử lý về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự Việt Nam 2015 sửa đổi bổ sung 2017,  như trường hợp Trương Châu Hữu Danh và 4 bị cáo khác trong nhóm "Báo Sạch" bị kết án từ 2 năm đến 4 năm 6 tháng tù, đồng thời bị cấm hành nghề báo chí 3 năm sau khi chấp hành xong án phạt tù; bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam… Lợi dụng vấn đê này, một số trang mạng phản động lại bắt đầu rêu rao các luận điệu nhằm xuyên tạc, tấn công, đòi xóa bỏ điều luật này như : “cần xóa bỏ điều luật này khỏi Bộ luật Hình sự”, “đây là điều luật mơ hồ”, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ – một điều luật hoàn toàn thừa thãi” , “được tạo ra để chụp mũ lên bất kỳ đối tượng nào mà Việt Nam muốn trừng trị”, …

Vậy trên thực tế có phải như vậy không?

Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng: Điều 331 Bộ luật hình sự Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế cũng như yêu cầu thực tiễn để điều chỉnh các quan hệ xã hội của Việt Nam. Không hề “thừa thãi”, “mơ hồ” .. như luận điệu nêu trên.  Bởi vì:

Theo luật pháp quốc tế, Khoản 2, Điều 29, Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế năm 1948 khẳng định “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra, bảo đảm những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.  Điều 19 Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khẳng định: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật”. Rất nhiều  quốc gia cũng đặt ra những điều khoản cụ thể để ngăn chặn việc lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm các mối quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Ví dụ: Hiến pháp Đức quy định “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền…làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”. …

Đối với đất nước Việt Nam, các quyền tự do dân chủ của cá nhân luôn được tôn trọng, đảm bảo và được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, cá nhân, công dân có các quyền như tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền tự do dân chủ khác theo theo quy định của pháp luật. Công dân có thể thông qua nhiều hình thức đa dạng như qua báo chí, trang mạng xã hội để thực hiện quyền của mình theo luật định với nguyên tắc chung là việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình không được xâm phạm đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác hay của Nhà nước. Nếu xâm phạm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và  tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả,…sẽ bị xử lý bằng nhiều hình thức, trong đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự

Cụ thể Điều 331 quy định: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”

Lợi ích của Nhà nước có thể kể đến là lợi ích về kinh tế, chính trị, ngoại giao, uy tín của chính quyền,… quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bao gồm các quyền về kinh tế, chính trị, dân sự… được pháp luật quy định. Đây chính là những quan hệ xã hội có tầm quan trọng đặc biệt vì nó phản ánh những lợi ích cơ bản của những người lao động và của xã hội Việt Nam. Hành vi vi phạm được biểu hiện rất đa dạng, đó có thể là việc sử dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin sai trái, thất thiệt gây phương hại đến lợi ích người khác; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để hạ bệ, tấn công người khác,…

Theo Điều 331, hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hành vi nguy hiểm cho xã hội và là tội phạm và  mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm. Điều này, thể hiện quan điểm đấu tranh không khoan nhượng với các vi phạm pháp luật, răn đe, trừng phạt thích đáng người có hành vi vi phạm, cải tạo, giáo dục họ thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý hình sự hành vi này còn có tác dụng giáo dục mọi người ý thức tuân thủ luật pháp, tránh thực hiện những hành vi tương tự, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Thực tế trong nhiều năm qua, việc xử lý hình sự hành vi này đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế việc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Một số phần tử phả động cho rằng Điều 331 “được tạo ra để chụp mũ lên bất kỳ đối tượng nào mà Việt Nam muốn trừng trị” là hoàn toàn sai trái. Bởi theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một cá nhân về tội danh này cũng như bất kỳ tội phạm khác được quy định trong Bộ luật Hình sự phải tuân theo trình tự, thủ tục chặt chẽ của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc chứng minh hành vi có cấu thành tội phạm hay không cũng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá kỹ lưỡng và phải đảm bảo theo quy định của pháp luật, không thể tùy tiện áp dụng hay vì mục đích nào khác mà quy chụp.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, các quyền tự do, dân chủ của công dân ngày càng được đề cao, coi trọng. Bên cạnh những mặt tích cực, có không ít những người có mục đích, ý đồ xấu, thiếu trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng, cố tình lợi dụng các quyền tự do, dân chủ của bản thân để làm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Trong đó đặc biệt là các đối tượng, phần tử cơ hội, phản động, thường xuyên núp bóng việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ để chống phá Đảng, Nhà nước. Vì vậy, để đảm bảo một xã hội công bằng, bình đẳng, văn minh, bảo vệ được các quyền tự do, dân chủ của công dân cần thiết phải có những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác như Điều 331 Bộ luật hình sự đã và đang được áp dụng. Và điều qua trọng là mỗi cá nhân, công dân cần phải nhận tức đúng cả về nội dung, ý nghĩa các quy định của pháp luật nói chung, Điều 331 nói riêng để thực hiện đúng, từ đó đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc, các hành vi vi phạm pháp luật để góp phần phòng chống tội phạm có hiệu quả, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”                                                                                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét