- KHAT VONG XANH K3

Breaking

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3 - PEACE

KHAT VONG XANH K3

KHAT VONG XANH K3
Màu xanh hi vọng

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

 

LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH  - LỜI HỊCH CỦA NON SÔNG ĐẤT NƯỚC

 

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập "khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân. Với thắng lợi đó đã đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, đưa nước ta từ một xứ thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập, Đảng ta từ một Đảng bất hợp pháp trở thành một Đảng cầm quyền. Thế nhưng sau ngày chính quyền vừa mới độc lập chưa được bao lâu thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Cùng với đó, chính quyền cách mạng còn non trẻ, đang đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, tình thế cách mạng lúc này "ngàn cân, treo sợi tóc", cùng một lúc phải đối phó với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Với dã tâm muốn cướp nước ta lần nữa ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp quân Nhật đầu hàng, đã nổ súng đánh ta ở Nam Bộ.  Trong tình thế cách mạng hiểm nghèo, Đảng ta và Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã sáng suốt vạch ra đường lối đấu tranh bảo vệ chính quyền và nền tự do, độc lập mới giành được. Chủ tịch Hồ Chí Minh khôn khéo tìm mọi cách nhân nhượng với Pháp để cứu vãn hòa bình và đích thân Người lên đường sang Pháp đàm phán. Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp (3-1946) rồi Tạm ước Việt-Pháp (9-1946) được ký kết đã đuổi được quân Tưởng Giới Thạch ra khỏi miền Bắc nước ta. Tuy nhiên, nỗ lực và thiện chí của Chính phủ ta vẫn không đạt được do thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không chỉ mở rộng chiếm đóng ở miền Nam, Pháp còn gây hấn, nổ súng tấn công ra nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc, tàn sát đồng bào ta. Đỉnh điểm là ngày 19-12-1946, tướng Pháp Molière trắng trợn gửi tối hậu thư cho Chính phủ lâm thời đòi tước vũ khí và kiểm soát Hà Nội, tuyên bố nếu yêu cầu không được đáp ứng thì chậm nhất sáng 20-12-1946 quân Pháp sẽ hành động. Trước tình hình đó Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng họp ngày 18 và 19/12/1946 đã quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Hội nghị cũng đề ra những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh. Ngay trong đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ! Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

    Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn, nhưng chứa đựng trong đó là sự hùng hồn, đanh thép, cổ vũ mãnh mẽ, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam. Là sự kết tinh, tiếp nối mạch nguồn tư tưởng hết sức quý giá và đầy tính nhân văn; là tiếng gọi của “hồn thiêng sông núi”, lời hịch cứu nước hào hùng vang vọng, thúc giục muôn triệu người dân yêu nước Việt Nam đứng lên quyết kháng chiến chống quân xâm lược, để bảo vệ hòa bình, độc lập, thống nhất của đất nước và tự do, ấm no, hạnh phúc của mọi nhà. Đó là tiếng nói của ý chí kiên cường, bất khuất, sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước” ; của quyết tâm cao độ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”  của nhân dân ta. Đồng thời, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” còn khẳng định niềm tin tất thắng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chính nghĩa chống lại kẻ địch hung bạo, dù phải trải qua nhiều gian lao, vất vả, khó khăn. Đáp lời kêu gọi cứu nước của Người, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên chống giặc cứu nước. “Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, ánh đèn trên các đường phố Hà Nội phụt tắt, liền đó tiếng súng vang dậy khắp thành phố, báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ”. Với những vũ khí thô sơ, nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chiến sĩ ta có sự hỗ trợ tích cực của nhân dân vẫn ngày đêm chiến đấu kiên cường bám trụ, giành giật với địch từng căn nhà, từng góc phố. Cùng với Hà Nội, quân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam cùng nhau đoàn kết, anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc chung một ý chí, chung một nguyện vọng, nhất tề đứng lên, với niềm tin mãnh liệt vào ngày đại thắng của dân tộc. Tiếp nối hào khí của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” thời Lý, “Hịch tướng sĩ” thời Trần, “Bình Ngô đại cáo” thời Lê Sơ... Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một áng hùng văn bất hủ, là lời hịch của non sông, vẫn mãi trường tồn cùng lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự có giá trị lịch sử trong mọi thời đại, thể hiện ý thức sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc và niềm tin mãnh liệt về con đường cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã lựa chọn.

Trong giai đoạn hiện nay, trước những thời cơ và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, đứng trước nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra; Bên cạnh đó các thế lực thù địch ra sức chống phá Đảng, Nhà nước bằng chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hết sức thâm độc nguy hiểm. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta vì thế có nhiều cơ hội những cũng đứng trước nhiều thách thức. Tình hình trên đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải đoàn kết, thống nhất, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. 76 năm đi qua, giá trị lịch sử của "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng và toàn thể dân tộc ta, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng. Lời kêu gọi vẫn thức dậy trong mỗi chúng ta lòng tự hào dân tộc, khát vọng hiến dâng cho Tổ quốc và trang bị cho chúng ta những giải pháp đúng đắn để hành động vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong giai đoạn hiện nay./


Hương Đinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét