CÁCH MẠNG THÁNG TÁM - CUỘC HỒI SINH VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
Sông La
Cách đây vừa
tròn 77 năm, cùng với chiến thắng của quân đồng minh đánh bại chủ nghĩa phát
xít trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ II; nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng
dậy đánh đổ ách thống trị của phát xít Nhật, làm nên cuộc cách mạng tháng Tám “long
trời, lở đất”. Cách mạng Tháng Tám thành công là một mốc son chói lọi, một bước
ngoặt trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây là cuộc
hồi sinh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đưa dân tộc ta từ đêm trường nô lệ bước đến
bình minh của một ngày mới tươi sáng.
Lịch sử dựng nước
và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với những chiến công huy hoàng,
những kỳ tích vang dội trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm bảo vệ độc lập, chủ
quyền của Tổ quốc. Nhưng chưa có lần nào, toàn dân ta từ địa đầu Móng Cái đến
mũi Cà Mau đồng loạt nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân như cuộc Tổng khởi
nghĩa tháng Tám năm 1945. Chỉ trong vòng 15 ngày, cách mạng thành công trong phạm
vi cả nước. Lần đầu tiên trong lịch sử chính quyền về tay giai cấp công nông và
đây cũng là lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ra đời ở Việt Nam. Ngày
02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản khai
sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên của khu vực
Đông Nam Á.
Cách mạng tháng
Tám thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp kéo dài 87 năm và ách
bóc lột vô cùng tàn bạo của phát xít Nhật trong vòng 5 năm trên đất nước ta. Gần
100 năm mất nước, chính quyền nằm trong tay bọn cướp nước; cách mạng tháng Tám
thành công, nhân dân Việt Nam đã rửa sạch được nỗi nhục của người dân mất nước,
từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, đã đưa hai chữ “Việt Nam”
trở lại trên bản đồ thế giới mà chủ nghĩa thực dân, phát xít đã xóa bỏ gần một
thế kỷ. Cách mạng tháng Tám thành công còn làm nhiệm vụ lật đổ chế độ phong kiến
đã tồn tại hàng ngàn năm, thực hiện ước mơ ngàn đời của người nông dân là “người
cày có ruộng”. Nhà vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam đã thoái
vị, trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng. Bảo Đại đã tuyên bố: “Tôi thà làm
dân một nước tự do, còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Từ đây đất nước và con người
Việt Nam bước vào một cuộc trường chinh mới với những biến đổi cách mạng lớn
lao và sâu sắc.
Vừa mới ra đời,
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải đương đầu với nhiều loại giặc: “giặc
đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Chính quyền cách mạng còn non trẻ đứng
trước nguy cơ mất còn, tình thế cách mạng như “ngàn cân treo đầu sợi tóc”.
Nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh;
cách mạng Việt Nam đã vượt qua khó khăn, hiểm nguy để tiếp tục phát triển.
Trong một khoảng thời gian ngắn từ khi quân Pháp nổ súng quay lại xâm lược Nam
Bộ (23/9/1945) đến ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Đảng - Nhà nước -
nhân dân ta đã hoàn thành nhiều công việc quan trọng chuẩn bị cho kháng chiến
và đặt nền móng cho việc xây dựng một nước Việt Nam thống nhất từ Bắc chí Nam: Chúng
ta đã tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước
Việt Nam độc lập, thành lập Chính phủ, ban hành Hiến pháp, chính quyền cách mạng
được xây dựng từ trung ương đến cơ sở. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, động
viên nhân dân tham gia phong trào Nam tiến chống thực dân Pháp xâm lược, kiên
quyết giữ vững độc lập, tự do. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng
quân đội chính quy của Nhà nước Việt Nam độc lập... Đây là sự thay đổi lớn lao,
diệu kỳ của dân tộc Việt Nam. Từ đây, Việt Nam đã thật sự trở thành một nước độc
lập có quốc hội, chính phủ, hiến pháp riêng chứ không phải là “xứ An Nam thuộc
Pháp” như bọn thực dân, đế quốc vẫn thường rêu rao.
Dân tộc có độc
lập thì con người mới tự do, hạnh phúc. Không thể có quyền con người khi nền độc
lập của dân tộc bị chà đạp. Vì vậy, cách mạng tháng Tám thành công không chỉ
làm thay đổi địa vị của dân tộc ta mà còn làm thay đổi cuộc đời của mỗi người
dân Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân
dân lao động trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh cuộc đời mình, được
hưởng các quyền tự do, bình đẳng, được tạo mọi điều kiện để phát triển bản
thân. Một cuộc cách mạng chỉ triệt để khi và chỉ khi giải quyết được mục tiêu
giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người khỏi áp bức, bóc
lột. Do vậy, ngay sau khi giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương,
biện pháp để chăm lo, cải thiện cuộc sống của nhân dân như phát động các phong
trào:Tăng gia sản xuất, Hũ gạo cứu đói, Ngày đồng tâm nhịn ăn, Bình dân học vụ…
để diệt “giặc đói”, “giặc giốt”. Điều đó nói lên bản chất nhân văn, tiến bộ của
chế độ mới, một chế độ thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Cách mạng tháng
Tám năm 1945 không phải là sự kết thúc, mà là sự mở đầu cho những thắng lợi
oanh liệt của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, XXI. Thực tiễn cách mạng Việt
Nam sau năm 1945 đã chứng minh điều đó. Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của
Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện cuộc chiến tranh cách mạng kéo
dài 30 năm ròng rã để giữ vững chính quyền cách mạng, vừa kháng chiến vừa kiến
quốc để giành thắng lợi từng bước và tiến tới giành thắng lợi cuối cùng bằng
chiến dịch Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đại thắng
mùa xuân năm 1975. Những chủ trương, biện pháp đúng đắn trong quá trình Đảng
lãnh đạo tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tiếp tục được Đảng ta kế thừa, bổ
sung, phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện
nay .
Thời gian đã
lùi xa, nhưng thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 mãi mãi là
một mốc son chói lọi trong lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi đó đã mở đường cho dân tộc ta bước vào một kỷ nguyên mới đầy tươi
sáng: kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đây là nguồn sức mạnh tinh
thần to lớn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước đi
lên phía trước để xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét